Mấy hôm nay lại rộ lên câu chuyện đại lý xe bán chênh giá sản phẩm so với giá niêm yết của nhà sản xuất, cụ thể là với mẫu xe đang rất hot Toyota Corolla Cross. Một số nguồn tin phản ánh người dùng phải trả thêm từ 30-50 triệu đồng để mua phụ kiện nếu muốn nhận xe Toyota Corolla Cross sớm trong tháng 08 hoặc đầu tháng 09. Còn nếu không muốn mua phụ kiện thì sẽ nhận xe trễ hơn.
Chuyện này ở Việt Nam không hề mới và nó không chỉ xảy ra với Toyota mà còn nhiều hãng xe ô tô khác và có cả ở xe máy Honda. Vậy đây có phải là câu chuyện nhu cầu thị trường, tính cơ hội của người bán hay sự dễ dãi của khách mua hàng? Và vai trò của nhà sản xuất trong chuyện này?
Tất cả các hãng xe khi công bố sản phẩm mới đều sẽ đưa ra một mức giá gọi là Giá bán lẻ đề xuất hoặc Giá bán lẻ khuyến nghị (MSRP – Manufacturer’s Suggested Retail Price). Trong khi đó một số nhà bán lẻ gọi MSRP là giá niêm yết. Mục tiêu của nhà sản xuất khi đưa ra Giá bán lẻ đề xuất là nhằm giữ cho giá bán ở các cửa hàng ở mức tương đương nhau, tránh phá giá. Tuy nhiên, không phải lúc nào người tiêu dùng cũng mua được sản phẩm với giá này, có thể phải trả cao hơn nhưng nhiều khi là thấp hơn.
Ví dụ, với một số sản phẩm bán chậm hoặc rơi vào tình trạng tồn kho do nhu cầu thị trường thấp thì cửa hàng phải bán với giá thấp hơn giá Bán lẻ đề xuất nhằm nhanh chóng đẩy hàng tồn kho, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ.
Và cũng tương tự như vậy, khi nhu cầu thị trường tăng, sản phẩm thu hút khách hàng, thì lúc này cửa hàng sẽ tăng giá bán cao hơn Giá bán lẻ đề xuất vì họ biết rằng có tăng giá thì khách hàng cũng sẵn sàng mua.
Trong thực tế, đa số trường hợp đi mua xe ô tô thường sẽ mua được với giá thấp hơn Giá bán lẻ đề xuất nếu khách hàng lựa chọn đúng thời điểm mua hàng và thoả thuận giá tốt. Chỉ với một số mẫu xe mới, xe bán chạy thì phải mua đúng Giá niêm yết hoặc cao hơn.
Ngoài ra, có những người sẵn sàng trả giá cao hơn so với giá bình thường để được ưu tiên nhận xe trước so với những người đã đặt hàng và chờ xe. Đây là một nhu cầu bình thường của người mua và người bán luôn thích như vậy thì họ sẽ tăng được mức lợi nhuận trên một sản phẩm bán ra.
Quy luật cung cầu trong thị trường luôn là như vậy. Khi nhu cầu tăng cao thì nguồn cung sẽ thiếu hụt và dẫn đến tình trạng giá bán tăng hoặc phải chờ đợi trong khi nhà sản xuất tạo ra đủ nguồn cung. Và lúc này chính khách hàng hay người tiêu dùng sẽ quyết định rằng mình sẽ mua với giá cao hay chờ đợi mua đúng giá?

Vấn đề thứ 2 trong câu chuyện tăng giá của các đại lý ô tô và xe máy chính là tính cơ hội khi họ hiểu được quy luật thị trường. Có thể thấy, chuyện “bia kèm lạc” trong bán xe ô tô và xe máy ở Việt Nam là không hề mới, nếu không muốn nói là nó đã xảy ra quá lâu rồi. Người bán cũng đã rất rõ còn người mua thì cũng chẳng xa lạ gì. Vậy tại sao nó vẫn cứ diễn ra?
Các hãng xe, đại lý xe luôn hiểu rõ nhu cầu của khách hàng mà họ hướng tới. Ngoài ra họ còn có rất nhiều phương pháp, mưu mẹo trong việc bán hàng để tạo ra sự thu hút và hấp dẫn cho chiếc xe mà họ sắp bán ra. Khi họ đánh giá được nhu cầu cho một mẫu xe sẽ cao và có nhiều người sẵn sàng mua với giá cao hơn giá bán lẻ đề xuất thì chẳng dại gì mà họ bán đúng giá cả. Nhu cầu thị trường quyết định đến việc các đại lý tăng thêm được lợi nhuận và là một nhà kinh doanh, không ai bỏ qua cơ hội đó.
Vấn đề thứ 3 là phải chăng người tiêu dùng đang quá dễ dãi và để rồi phải chấp nhận mua một món hàng cao hơn so với giá bán lẻ đề xuất? Theo tôi, chính khách hàng đang quá dễ dàng trong chuyện này. Tất nhiên, không ai có quyền chỉ người khác xài tiền của họ. Nhưng nếu người mua nào cũng chấp nhận phá giá để được nhận xe trước, để sở hữu trước thì thiệt hại cuối cùng sẽ thuộc về khách hàng, đúng ra phải được xem là “thượng đế.”
Vẫn biết với rất nhiều người Việt Nam, chiếc xe ô tô là cả một khối tài sản lớn. Nhưng trên thị trường có rất nhiều lựa chọn khác nhau và cũng không nhất thiết phải sở hữu sớm hơn để làm gì cả. Hãy tỉnh táo khi mua hàng vì các bạn có quyền mua hàng đúng giá. Đừng dễ dãi quá để rồi bị dắt mũi.
Và cuối cùng là vấn đề vai trò của nhà sản xuất trong việc ổn định giá bán của sản phẩm? Toyota Việt Nam đã phải ra thông báo rằng họ sẽ xử lý các showroom bán hàng theo kiểu “bia kèm lạc”, cụ thể là với mẫu xe Toyota Corolla Cross đang rất hot. Toyota Việt Nam (TMV) đã lên tiếng, yêu cầu tất cả các đại lý tuân thủ chính sách bán hàng và nói rằng đây không phải là chủ trương của hãng.
Chính sách của Toyota Việt Nam (TMV) luôn nhất quán là khách hàng đến trước được phục vụ trước. TMV yêu cầu tất cả các đại lý tuân thủ chính sách này để bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Nếu xảy ra hiện tượng trên, khách hàng hãy phản ánh cho Toyota Việt Nam vào đường dây nóng theo số 18001524. TMV sẽ tiếp nhận và có biện pháp xử lý nếu phát hiện bất kỳ vi phạm nào từ đại lý”.
Như vậy, với vai trò của nhà sản xuất thì các hãng phải có nghĩa vụ kiểm soát các chính sách, quy định của mình về giá bán và quy trình phục vụ khách hàng, phải đảm bảo sản phẩm của mình được bán đúng giá và khách hàng được phục vụ tốt nhất.
Tóm lại cho chuyện này thì mấu chốt vấn đề vẫn thuộc về người tiêu dùng. Nếu khách hàng không chấp nhận mua hàng với mức giá cao hơn so với giá bán lẻ đề xuất thì sẽ không có chuyện các đại lý tăng giá được. Chỉ có chính khách hàng mới giải quyết được vấn đề này mà thôi.