Phát ngôn viên của Ford nói một câu rất hay “Chúng tôi không phải chuyên gia trong ngành y tế, nhưng chúng tôi có thể hỗ trợ các chuyên gia.” Đây là câu nói của Mike Levine khi trả lời phỏng vấn qua điện thoại về việc Ford quyết định hợp tác với GE Healthcare để sản xuất máy thở và máy trợ thở.
Ford đã hợp tác với GE Healthcare để sản xuất 1.500 máy thở cho đến cuối tháng 04 và 12.000 máy đến cuối tháng 05/2020. Thêm vào đó, Ford cũng lên kế hoạch sản xuất 50.000 máy thở trong vòng 100 ngày kể từ ngày 20/04 tại một nhà máy ở Ypsilanti, Michigan. Ngoài ra Ford cũng sẽ sử dụng các tình nguyện viên có trả phí từ Nghiệp đoàn Công nhân Ô tô của Mỹ.
Hiện tại nước Mỹ đang có 160.000 máy thở nhưng có thể sẽ cần đến 740.000 máy vì số lượng người nhiễm virus Covid-19 đã tăng rất nhanh, theo ước tính của tổ chức Johns Hopkins Center for Health Security.
Bên cạnh Ford, các công ty sản xuất ô tô khác ở Mỹ cũng đã cùng tham gia như General Motors, Tesla, Toyota,… Tất nhiên, họ không phải là chuyên gia trong ngành y tế và họ sẽ phải hợp tác với công ty y tế để làm việc này. Nhưng đó đều là những sự hỗ trợ cần thiết trong lúc này để chống lại con virus Covid-19.
Trong khi đó tại châu Âu, 7 đội đua F1 có trụ sở ở Vương quốc Anh đã cùng tham gia vào một dự án có tên là “Pitlane” để hỗ trợ sản xuất các thiết bị y tế nằm giúp chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Tất nhiên, thiết bị được ưu tiên nhất vẫn là các máy thở và máy trợ thở.
Các đội đua F1 đã tham gia vào dự án “Pitlane” gồm Aston Martin Red Bull Racing, BWT Racing Point F1 Team, Haas F1 Team, McLaren F1 Team, Mercedes-AMG Petronas F1 Team, Renault DP World F1 Team, và ROKiT Williams Racing.
Các công ty sản xuất ô tô khác tại châu Âu như Rolls-Royce, Jaguar Land Rover, BMW, Daimler, Hyundai, Toyota, Nissan, Ferrari, Fiat Chrysler,… cũng đã lên tiếng sẵn sàng hỗ trợ chính phủ trong việc sản xuất các thiết bị y tế để phục vụ nhu cầu chữa trị cho bệnh nhân Covid-19. Họ sẽ xem xét làm thế nào để hỗ trợ một cách hiệu quả nhất.
Ở châu Á, các nhà máy sản xuất ô tô tại Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam cũng đều sẵn sàng bắt tay vào việc sản xuất máy thở và máy trợ thở dưới sự hợp tác với các công ty chuyên về thiết bị y tế. Một số công ty y tế đã chia sẻ bản quyền để sản xuất máy thở và máy trợ thở phục vụ việc chữa trị cho các ca nhiễm virus Covid-19.
Theo Medtronic, công ty chuyên sản xuất các thiết bị y tế, trong đó có máy thở PB560 mà Vingroup sẽ mua bản quyền để sản xuất, thì họ đã thiết kế lại các máy thở đơn giản hơn để phục vụ những ca bệnh ít nghiêm trọng hơn. Việc này cũng giúp cho các nhà sản xuất ngoài ngành y tế có thể tạo ra được những bộ máy thở dễ dàng hơn. Vấn đề đặt ra là khi nào thì các hãng ô tô mới bắt đầu tạo ra được sản phẩm và khi nào nó mang lại ý nghĩa cho xã hội?
Cả thế giới đang gồng mình chống lại con virus Covid-19 và hơn lúc nào hết, đây là thời điểm cần chung ta giúp sức để nhanh chóng đẩy lùi cơn đại dịch này và đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Bạn có thể không phải là chuyên gia y tế, nhưng bạn có thể hỗ trợ các chuyên gia.
Tổng hợp