Tư vấn - đánh giá Đánh giá Mitsubishi Xforce, quan trọng là lái thế nào?

Car Reviewer

Administrator
Rất nhiều thắc mắc rằng “Mitsubishi Xforce lái thế nào?” Rõ ràng câu hỏi này mới là thứ người dùng đang quan tâm trên mẫu crossover cỡ B của hãng xe Nhật Bản. Người dùng đã biết quá nhiều về kiểu dáng, thông số, tính năng của Mitsubishi Xforce và họ còn thiếu mỗi sự xác nhận về khả năng vận hành của mẫu xe này trước khi đưa ra quyết định. Vì thế, trong bài đánh giá này mình sẽ tập trung vào trả lời câu hỏi ở trên chứ không cần phải nói nhiều về những thứ mà ai cũng biết rồi. Bài đánh giá được thực hiện trên phiên bản Mitsubishi Xforce Premium.

XEtv_Xforce 05.jpg


Vậy “lái thế nào?” sẽ bao gồm những gì?
  1. Động cơ
Động cơ 1.5L không tăng áp trên Mitsubishi Xforce có lẽ sẽ khiến nhiều người dè chừng vì ở Việt Nam dù đa số không chịu tăng tốc nhanh, thích tiết kiệm nhiên liệu nhưng lại luôn đòi hỏi công suất lớn. Mức công suất 104 mã lực của Xforce thật ra là ở mức vừa đủ trong đô thị chứ không phải là yếu đối với một chiếc crossover hạng B, ngoài ra mô-men xoắn cực đại 141 Nm, cùng chế độ Ds của hộp số CVT vẫn đủ phấn khích cho những ai muốn tăng tốc nhanh. Một chiếc crossover cỡ B, động cơ 1.5L, hộp số CVT thì lái nhẹ nhàng kiểu đô thị thôi, đừng kỳ vọng quá nhiều. Nhưng nếu để so sánh với các đối thủ khác trong cùng phân khúc thì Xforce có nhiều ưu thế đấy.

XEtv_Xforce Premium 063.jpg

  1. Hộp số
Thay vì sử dụng hộp số 4 cấp như trên Xpander, Mitsubishi quyết định trang bị cho Xforce hộp số CVT thế hệ mới với những cải tiến nhằm tối ưu cả khả năng tăng tốc lẫn sự mượt mà khi vận hành. Nếu chỉ muốn tăng tốc nhẹ nhàng thì bạn chỉ cần đạp chân ga chậm và tăng dần đều. Còn nếu muốn tăng tốc nhanh, có thể bấm nút Ds trên cần số và khi tốc độ đạt khoảng 30 km/h, bạn nhả nhẹ và đạp mạnh lại chân ga, chiếc xe sẽ lập tức vọt lên và tua máy tăng lên cao ngay. Chế độ Ds sẽ cần thiết khi vượt xe trên cao tốc, bù lại cho sự êm ái của hộp số CVT. Thuật toán điều khiển hộp số của Mitsubishi Xforce là một điểm cộng trên chiếc crossover này.

XEtv_Xforce Premium 045.jpg

  1. Chế độ lái
Sau thành công của Mitsubishi Xpander, hãng xe Nhật Bản đã chú trọng nhiều hơn tới thị trường Đông Nam Á và mang lên Xforce nhiều thứ hay ho, trong đó có các chế độ lái. Trên Xforce có các chế độ lái Normal, Wet, Gravel, và Mud. Bình thường, tất nhiên Xforce sẽ luôn vận hành ở chế độ Normal, mọi thứ sẽ được tối ưu để chiếc xe vận hành ổn định nhất. Nhưng khi gặp các tình huống khó hơn như đường ướt, thì chế độ Wet sẽ có cơ hội phát huy tác dụng. Ngay khi trời mưa, nếu tài xế kích hoạt chế độ Wet, chiếc Xforce sẽ kiểm soát lực kéo nhiều hơn để hạn chế trượt. Đồng thời, hệ thống AYC (kiểm soát vào cua chủ động) sẽ kiểm soát cao hơn để giúp chiếc xe dễ dàng chuyển hướng trên đường trơn trượt. Độ phản hồi chân ga sẽ được giảm xuống mức thấp, tránh tình trạng gia tốc tăng nhanh làm các bánh xe bị trượt. Và tay lái sẽ được tăng độ nặng để tài xế đánh lái vừa phải, không chuyển hướng quá đột ngột khi độ bám kém.

XEtv_Xforce Premium 010.jpg


Tương tự như vậy, ở chế độ Gravel, Mitsubishi Xforce sẽ kiểm soát đồng thời các hệ thống kiểm soát lực kéo, AYC, gia tốc và vô-lăng để đảm bảo xe có thể vận hành mượt mà và ổn định trên những đoạn đường đất sỏi khô ráo.

Còn ở chế độ Mud, Xforce sẽ cho phép chiếc xe trượt một chút, nhưng hệ thống AYC sẽ không can thiệp. Gia tốc cũng sẽ được kiểm soát ở mức tối thiểu và độ nặng vô-lăng ở mức tiêu chuẩn. Tất nhiên, với hệ thống dẫn động một cầu trước thì các bạn đừng nên kỳ vọng là Xforce sẽ vượt qua được những vũng bùn lầy sâu. Đừng quá tin quảng cáo, đừng xem YouTube quá nhiều mà để rồi mắc lầy và phải kêu cứu hộ nha. Ít nhất phải hiểu được chiếc xe của mình có thể làm được những gì.
  1. Khung gầm và hệ thống treo
Khung gầm của Mitsubishi Xforce cơ bản vẫn giống với Xpander nhưng được gia cố ở các vị trí quan trọng như cột C và đuôi xe với thép cường độ cao nhằm tăng độ cứng vững và vặn xoắn khi đi đường xấu. Đây là cải tiến của các kỹ sư sau khi nghiên cứu kỹ điều kiện lái xe và mong muốn của các tài xế ở Đông Nam Á.

XEtv_Xforce Premium 07.jpg


Chưa hết, ở phía bánh trước của Xforce được tăng góc Caster, tăng chiều rộng và chọn loại cao su giảm chấn tốt hơn nhằm mang đến sự ổn định cho vận hành. Đồng thời, phuộc sau của Xforce cũng có kích thước lớn hơn so với Xpander, tương đương với phuộc của Pajero Sport nhằm đảm bảo sự thoải mái cho hành khách.
  1. Cách âm
Cách âm, chống ồn cũng là một yếu tố ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm của lái xe và hành khách trên xe. Vì thế, mình muốn đánh giá yếu tố này một cách khách quan nhất có thể. Về cơ bản, nếu so với các đối thủ ở cùng phân khúc crossover cỡ B thì khả năng cách âm của Xforce có phần nhỉnh hơn, đặc biệt là khi Xforce được trang bị bánh mâm tới 18”.

XEtv_Xforce Premium 040.jpg


Theo Mitsubishi, họ đã sử dụng các vật liệu cách âm tốt hơn để đảm bảo không gian bên trong xe được yên tĩnh hơn. Ngoài ra, nếu sở hữu bản cao, người dùng Xforce còn có thể xoá tan tiếng ồn nhờ hệ thống âm thanh Dynamic Sound Yamaha Premium trên xe.

Tất nhiên, một chiếc xe mới với dàn lốp mới thì khả năng cách âm chắc chắn sẽ còn tốt. Và sau một thời gian chừng hơn 10.000 km thì tiếng ồn sẽ vào cabin nhiều hơn. Vì vậy các chủ xe Xforce cũng đừng lấy làm bất ngờ nếu điều này xảy ra nhé.
  1. Khả năng đi địa hình
Thật ra thứ quyết định đến khả năng đi địa hình của Mitsubishi Xforce là nhờ khoảng sáng gầm 222mm, góc tới 21 độ và góc thoát tới 30,5 độ. Trong những địa hình đường gồ ghề, mấp mô, ướt thì với sự trợ giúp của các chế độ lái, tài xế có thể đưa Xforce vượt qua dễ dàng. Đây cũng là một điểm cộng của Xforce khi mà ngày càng nhiều những gia đình trẻ thích đi chơi vào cuối tuần, đến những vùi rừng núi để cắm trại qua đêm. Một chút khả năng offroad đơn giản của Xforce thôi cũng đã đủ thoả mãn nhu cầu của nhiều người rồi.

XEtv_Xforce Premium 011.jpg

  1. Không gian cho người lái
Một thứ cũng góp phần tăng sự thích thú cho người lái Mitsubishi Xforce (bản cao) đó là hệ thống màn hình điện tử sau vô lăng 8” và màn hình giải trí trung tâm IVI 12.3”, Các thông số được hiển thị trên những cụm đồng hồ hình tròn trông cực kỳ thú vị. Nó được lấy cảm hứng từ những mẫu xe thể thao như Lancer EVO, xe offroad như Pajero, chứ trước giờ chưa từng thấy ở các mẫu xe phổ thông hạng B. Nhưng mà đôi khi nhìn nhiều số quá cũng hơi rối mắt đấy.

XEtv-Man-hinh-Mitsubishi-Xforce.jpg

  1. An toàn
Cuối cùng, một thứ quan trọng cho xe ô tô mà bất kỳ ai cũng cần đó là an toàn. Mitsubishi Xforce được trang bị công nghệ chủ động an toàn tiên tiến Mitsubishi Motors Safety Sensing, hệ thống cảnh báo va chạm, hỗ trợ phanh khẩn cấp và điều khiển hành trình thích ứng giúp duy trì an toàn trong suốt hành trình, hệ thống cảnh báo điểm mù, cảnh báo khi có phương tiện cắt ngang khi lùi...

XEtv_Xforce 03.jpg


Nhìn chung, nếu nói về lái thì Mitsubishi Xforce tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ trong phân khúc crossover cỡ B như Kia Seltos, Hyundai Creta, Mazda CX-30 hay Toyota Yaris Cross. Giá bán của Xforce cũng đang ở mức hợp lý so với một số đối thủ. Chắc chắn Xforce sẽ là một mẫu xe cần cân nhắc nếu đang tìm kiếm một chiếc crossover cỡ B, với mức giá giao động từ 600-700 triệu đồng. Ý kiến các bạn thế nào?
 
Bên trên