Chiếc Toyota Celica cuối cùng rời xưởng sản xuất là vào năm 2006, kể từ đó cho đến nay, rất nhiều lời đồn đoán là Toyota sẽ tiếp tục phát triển dòng xe thể thao này. Nhưng đã 14 năm trôi qua, hãng xe nước Nhật không còn chút ý định nào để đưa Celica trở lại.
Toyota Celica TA22: 1970 – 1977
Được phát triển trên cùng nền tảng với chiếc sedan Carina, thế hệ đầu tiên của Celica, cái tên được lấy từ tiếng Tây Ban Nha “celestial” có nghĩa là “thiên đường” hoặc “tuyệt trần”, được trang bị hệ thống treo trước/sau độc lập và dẫn động cầu sau. Các tuỳ chọn động cơ gồm 1.4L, 1.6L, 1.9L, 2.0L và 2.2L, đi cùng hộp số sàn 4 hoặc 5 cấp hay có thể chọn hộp số tự động 3 cấp.
Những chiếc Toyota Celica đầu tiên được chuyển đến châu Âu là vào năm 1971, một năm sau đó phiên bản cao cấp Celica GT cũng đến với “lục địa già”. Phiên bản Toyota Celica GT 1972 được trang bị động cơ 1.6L DOHC, 2 bộ chế hoà khí. Đến năm 1976, phiên bản facelift được giới thiệu với kiểu thân xe hatchback mà Toyota gọi là liftback. Phiên bản Liftback còn thường được gọi là “Japanese Mustang” hay “Mustang Celica”. Kiểu dáng của nó khá giống với dạng fastback của chiếc Ford Mustang 1968.
Toyota Celica TA40: 1977 – 1981
Thế hệ thứ 2 của Celica được ra mắt vào cuối năm 1977 với các biến thể coupe 2 cửa và phong cách liftback, cùng một phiên bản mui xếp được sản xuất bởi hãng Tropic dưới các tên Celica Sunchaser.
Thế hệ Celica TA40 vẫn giữa cấu hình động cơ đặt trước và dẫn động cầu sau, nhưng có nhiều tuỳ chọn cho hệ dẫn động hơn. Toyota vẫn sử dụng các động cơ 4 xi-lanh, đi cùng 2 loại hộp số sàn 5 cấp và 2 loại hộp số tự động 3 cấp và 3 cấp.
Toyota Celica TA60: 1981 – 1985
Ra mắt thị trường Nhật Bản đầu tiên với động cơ 16 van đặt dưới nắp ca-pô kéo dài, chiếc Toyota Celica thế hệ thứ 3 có mặt trên thị trường vào năm 1981 với 3 biến thể gồm: coupe 2 cửa, convertible 2 cửa và liftback 3 cửa.
Các tuỳ chọn động cơ còn được làm phong phú hợp so với đời trước, tuỳ chọn hộp số tự động 4 cấp hoặc số sàn 5 cấp. Những ai muốn một cỗ máy mạnh mẽ hơn có thể chọn mẫu Celica Supra 2.8i với công suất 168 mã lực đến từ động cơ 6 xi-lanh.
Toyota Celica TA160: 1985 – 1989
Với thế hệ thứ 4, Toyota Celica vẫn có 3 kiểu dáng thân xe, động cơ đặt trước, dẫn động cầu sau nhưng có thêm phiên bản dẫn động 4 bánh, Celica GT-Four. Phiên bản đua rally được phát triển từ Celica đã giúp Toyota giành một loạt chiến thắng ở giải đua World Rally Championship và khiến mẫu xe này trở nên nổi tiếng hơn.
Toyota Celica TA180: 1989 – 1993
Sự thành công tại các giải đua rally được tiếp nối với thế hệ thứ 5 của Toyota Celica và mang về thêm 3 chiến thắng dành cho tay đua và 2 danh hiệu dành cho nhà sản xuất tại giải WRC vào các năm 1992 đến 1994.
Thế hệ Celica TA180 cũng có phiên bản GT-Four dẫn động 4 bánh, nhưng chuyển sang sử dụng hệ thống dẫn động 4 bánh có vi sai trước. Ngoài ra còn có thêm tuỳ chọn dẫn động cầu trước.
Toyota Celica TA2000: 1993 – 1999
Có lẽ đây là một trong những thế hệ nổi tiếng nhất của Toyota Celica, thế hệ thứ 6, vẫn có đầy đủ các tuỳ chọn dẫn động cầu trước hoặc dẫn động 4 bánh GT-Four, với hộp số tự động 4 cấp hoặc số sàn 5 cấp, cùng nhiều tuỳ chọn động cơ 4 xi-lanh.
Toyota Celica TA230: 1999 – 2006
Chỉ bán ra phiên bản liftback 3 cửa, thế hệ Celica cuối cùng được phát triển dựa trên nền tảng MC của Toyota mà họ dùng cho nhiều dòng xe khác nhau như Corolla, Prius và RAV4.
Thế hệ này cũng được trang bị hệ thống dẫn động cầu trước nhưng có 2 tuỳ chọn động cơ khác nhau, 3 tuỳ chọn hộp số với số sàn 5 cấp/6 cấp và hộp số tự động 4 cấp.
Với cá nhân mình thì thế hệ thứ 5 của Toyota Celica là đẹp nhất với thiết kế cân đối, thể thao và rất cuốn hút. Còn các bạn thì sao?